Trang Thông tin điện tử

xã Yên Lộc - Huyện Kim Sơn

Thứ bảy, 11/05/2024

CÚM A (H5) LÀ GÌ? NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA

Thứ tư, 26/10/2022

                                         cúm a h5

              Cúm A (H5) là bệnh gì?

Cúm A (H5) (còn được gọi là cúm A/H5N1, cúm gia cầm – avian influenza hay bird flu) là bệnh truyền nhiễm cấp tính rất nguy hiểm ở người và động vật, do virus cúm tuýp A, chủng H5N1, thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trong khi dịch cúm A (H1N1) vẫn đang diễn biến phức tạp dù chưa vào mùa đông, người dân cần cảnh giác cao độ trước nguy cơ cúm A/H5N1 quay trở lại và lây nhiễm cộng đồng – đặc biệt khi cúm A(H5) có mức độ nguy hiểm đặc biệt hơn so với các chủng cúm mùa thông thường vì có tỷ lệ tử vong cao, biến chứng nặng nề ở người, đặc biệt ở các đối tượng nguy cơ cao.

Ghi nhận ca nhiễm cúm gia cầm A (H5) ở Việt Nam sau 8 năm

Ngày 20/10/2022, Cục Y tế Dự Phòng, Bộ Y tế công bố thông tin Việt Nam xuất hiện ca cúm A(H5) trên người (bé gái 5 tuổi, ở Phú Thọ) sau hơn 8 năm (kể từ tháng 2/2014) không ghi nhận trường hợp mắc mới. Trước đó, ngày 5/10/2022, bệnh nhi xuất hiện triệu chứng ho, sốt, gia đình tự mua thuốc về uống nhưng không đỡ.

Ngày 7/10/2022, bệnh nhi xuất hiện thêm triệu chứng mệt mỏi, da vàng, mắt vàng, nôn nhiều, gia đình đưa bệnh nhi đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba khám và được chẩn đoán: Suy gan cấp, suy thận cấp chưa rõ nguyên nhân; sau đó bệnh nhi được chuyển tuyến Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ. Tại đây, bệnh nhi được thăm khám khám và cũng được chẩn đoán: Suy gan cấp, suy thận cấp chưa rõ nguyên nhân. Trước đó, điều tra dịch tễ cho thấy gia đình bé đã mổ thịt gà, ngan (vịt xiêm) có biểu hiện ốm để ăn.

Đến ngày 17/10/2022, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định bệnh nhi dương tính với virus cúm A(H5). Hiện nay, bệnh nhi đang trong tình trạng suy hô hấp, đặt nội khí quản, đang nằm điều trị tại Khoa điều trị tích cực nội, Bệnh viện Nhi Trung ương với chẩn đoán suy gan thận cấp, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng.

Từ năm 2003 đến nay, Việt Nam mới ghi nhận 128 trường hợp mắc cúm H5N1 trên người, trong đó 64 ca tử vong. Trước đó, năm 2014 có hai trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 tại Bình Phước và Đồng Tháp đều tử vong, tiền sử tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh. Từ đó đến nay đã 8 năm Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm nào trên người. Hiện, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước.

Đối với các chủng cúm A/H5, thế giới đã ghi nhận các ổ dịch cúm A/H5N6, A/H5N8 và cúm A/H5N2. Việt Nam đến nay chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H5N8 và cúm A/H5N2 trên cả gia cầm và người. Năm 2014, Việt Nam ghi nhận các ổ dịch cúm A/H5N6 trên gia cầm tại một số tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Cúm A (H5) có độc lực mạnh, diễn tiến nặng trong thời gian ngắn nếu không được phát hiện kịp thời

Nguyên nhân nhiễm cúm A (H5)

Theo các chuyên gia y tế, có nhiều nguyên nhân nhiễm cúm A (H5) hay cúm gia cầm ở người, chủ yếu là do người nhiễm virus A/H5N1 chủ yếu thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với động vật bị nhiễm bệnh. Dưới đây là những nguyên nhân khiến cúm A (H5) dễ bùng phát mạnh ở cộng đồng:

  • Sinh sống gần các trang trại gia cầm và lợn là điều kiện thuận lợi làm tăng tính đột biến kháng nguyên virus, làm virus dễ lây nhiễm.
  • Một số chợ trời, nơi bán gia cầm, trứng nhưng điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
  • Ăn thịt gia cầm và trứng chưa được nấu chín.

Virus cúm gia cầm thuộc nhóm virus cúm A họ Orthomyxoviridae. Vỏ của virus cúm A bản chất có là glycoprotein bao gồm 2 loại kháng nguyên: Kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (Hemagglutinin) và kháng nguyên trung hòa N (Neuraminidase). Có 16 loại kháng nguyên H, ghi nhận H1 đến H16 và 9 loại kháng nguyên N, ghi nhận N1-N9.

Virus cúm có tỉ lệ đột biến cao và kháng nguyên bề mặt rất dễ biến đổi. Trong đó, kháng nguyên H và N là thay đổi rõ nhất, chỉ cần đột biến nhỏ đã dẫn tới sự biến đổi kháng nguyên, tạo ra biến chủng cúm mới. Cúm A H5N1 là phân nhóm cúm gia cầm có khả năng xâm nhiễm và tự biến đổi (hoặc tái tổ hợp) rất cao, liên tục tạo ra biến đổi gen lây từ người sang người, gây nhiều lo ngại về dịch cúm toàn cầu. Đặc biệt, virus A/H5N1 có thể kết hợp với virus cúm ở người tạo ra một loại virus mới có đầy đủ tính năng của 2 loại virus cũ, dễ dàng tạo ra dịch cúm mới ở người với tỷ lệ biến chứng nặng, nguy cơ tử vong là rất lớn.

BS.CKII Mã Thanh Phong, BS Khoa Nội tổng hợp, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết: “Mỗi năm tùy các đợt dịch mà vật liệu di truyền của virus cúm sẽ biến đổi và gây đợt cúm thông thường như cúm A/H1N1, A/H3N2 – đây là đợt cúm hiền, không gây vụ dịch tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên với các đợt dịch như H5N1, H7N9 thì những đột biến gây ra các tuýp cúm A nguy cơ sẽ cao hơn. Tùy theo từng đợt dịch sẽ là tuýp virus gì thì nguy cơ, độc lực và độ nguy hiểm sẽ có sự khác nhau. Nếu tuýp cúm độc lực mạnh thì mức độ ái lực đến các tế bào hô hấp sẽ nhân lên và phá hủy tế bào rất nhanh, gây viêm phổi, suy hô hấp, tử vong,… hoặc biến chứng viêm phổi, viêm màng não. Hiện nay, virus cúm đang ngày càng diễn biến nguy hiểm hơn, do vậy chủ động phòng bệnh cúm là vấn đề rất cấp thiết.”

Triệu chứng nhận biết cúm A (H5) ở người

Theo các chuyên gia y tế, virus cúm A/H5N1 khi tấn công vào người sẽ xâm nhập vào tế bào chủ rồi nhanh chóng tự nhân bản ra khắp cơ thể người bệnh, khiến hệ miễn dịch của người bệnh nhanh chóng bị yếu dần và cuối cùng không còn khả năng chống đỡ. Giám sát từ dịch tễ cho thấy, người bị nhiễm cúm A(H5) thường có những triệu chứng giống với cúm thông thường và kèm theo một số dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm hơn. Các triệu chứng nhận biết cúm A (H5) ở người thường bắt đầu trong vòng 2-5 ngày kể từ ngày bị virus cúm H5N1 xâm nhập, cụ thể:

  • Sốt cao đột ngột trên 38 độ C.
  • Rét run, đau đầu.
  • Đau ngực, khó thở, tim đập nhanh.
  • Đau họng, ho, thường ho khan, ho có đờm.
  • Đau nhức cơ, mệt mỏi rã rời.
  • Chỉ sau nửa ngày, các triệu chứng A (H5) diễn tiến trầm trọng hơn, người bệnh có thể bị suy hô hấp cấp như khó thở, thở nhanh, da tím tái, thậm chí đau toàn thân, ý thức mê man.

Các triệu chứng nhận biết cúm A (H5) ở người như sốt cao liên tục, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, đau họng và ho khan

Đường lây truyền cúm A (H5) như thế nào?

Cúm A H5N1 là bệnh có thể lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, qua việc tiếp xúc và ăn gia cầm, lợn ốm/ chết do nhiễm virus cúm A/H5N1 hoặc ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ.

Đặc biệt, virus cúm A/H5N1 được phát tán ra môi trường bên ngoài qua nước bọt, dịch mũi, phân và trong các tế bào niêm mạc ruột non của một số loài chim di cư.

Cúm gia cầm A (H5) có lây từ người sang người không?

CÓ! Bệnh cúm gia cầm A(H5) thường lây ở động vật nhưng cũng có thể lây truyền và ảnh hưởng đến con người. Tuy nhiên, không giống như các loại cúm khác ở người, cúm H5N1 không dễ dàng lây lan từ người sang người. Người bị nhiễm virus cúm A (H5) chủ yếu thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với động vật bị bệnh.

Nguy cơ lớn nhất mắc cúm A/H5N1 đó là việc tiếp xúc với gia cầm bị bệnh hoặc với các bề mặt bị ô nhiễm như lông, nước bọt hoặc phân của gia cầm. Rất hiếm khi dịch cúm gia cầm được truyền từ người sang người, chẳng hạn chỉ trong các trường hợp có sự tiếp xúc đặc biệt gần gũi với người bệnh như mẹ chăm sóc trẻ bị nhiễm bệnh thì A/H5N1 mới lây từ người sang người.

Sau khi nhiễm A/H5N1, người bệnh đào thải virus khoảng 1-2 ngày trước khi khởi phát và 3-5 ngày sau khi có triệu chứng lâm sàng, tuy nhiên có thể dài hơn, từ 7-10 ngày.

Phương pháp chẩn đoán cúm A (H5)

Bệnh cúm A (H5) ở người có diễn biến nặng, tiến triển nhanh, không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường và có tỷ lệ tử vong cao, do đó, việc nhận biết và chẩn đoán sớm cúm A (H5) rất quan trọng, dưới đây là phương pháp chẩn đoán cúm A (H5) được khuyến cáo:

1. Tiền sử dịch tễ: Người đã từng tiếp xúc với người bệnh cúm A (H5), người tiếp xúc với gia cầm bị bệnh, hoặc đã từng ở khu vực đang lưu hành dịch cúm gia cầm trong vòng 7 ngày.

2. Chẩn đoán phân biệt: Cần phân biệt bệnh cúm A (H5) với các bệnh cúm thông thường, các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi do vi khuẩn hay do các virus khác.

3. Xét nghiệm chẩn đoán: Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán phát hiện nhiễm virus A/H5N1 phổ biến hiện nay:

  • Kỹ thuật di truyền phân tử (RT-PCR)
  • Kỹ thuật xác định trình tự chuỗi nucleotide (sequencing)
  • Kỹ thuật ngăn ngưng kết hồng cầu (HI).
  • Kỹ thuật miễn dịch hấp phụ gắn men (ELISA)
  • Kỹ thuật phân lập virus:
  • Kỹ thuật trung hoà vi lượng: Đây là kỹ thuật rất nhạy, đặc hiệu nhất trong các phương pháp chẩn đoán huyết thanh học. Kỹ thuật này giúp xác định chính xác từng phân týp (H1N1, H3N2, H5N1…) đồng thời có khả năng phát hiện sớm khi nồng độ kháng thể vẫn ở mức thấp mà chưa phát hiện được bằng các kỹ thuật khác. Tuy nhiên, kỹ thuật này đòi hỏi phải có phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 3.

Nhiễm cúm A (H5) có nguy hiểm không?

Virus A/H5N1 là chủng cúm rất nguy hiểm do có độc lực cao, bệnh có thể diễn tiến khó lường theo chiều hướng phức tạp, tỷ lệ biến chứng và tử vong cao người (từ 50-60% trường hợp mắc) nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời.

Dữ liệu từ dịch tễ cho thấy, tại Việt Nam, ca mắc cúm gia cầm H5N1 xuất hiện đầu tiên vào năm 2003. Tích lũy từ 2004 – 2013, Việt Nam ghi nhận 35 ca mắc và 29 ca tử vong do cúm A/H5N1, đặc biệt, cúm A (H5) đã liên tục biến đổi thành các tuýp cúm mới có độc lực mạnh, tỷ lệ tử vong cao, có thời điểm đến 100%. Các đợt dịch cúm A (H5) trước đây khi lây sang người đã khiến nhiều người bệnh gặp biến chứng nặng nề như: viêm phổi cấp tính, suy hô hấp, phải thở máy, tổn thương đa tạng,… thậm chí tử vong. Dịch cúm A (H5) hoàn toàn có thể lây lan thành dịch trong cộng đồng, do vậy người dân cần chủ động phòng ngừa dịch bệnh trong bối cảnh dịch Covid-19 đã tạm lắng xuống.

Đã có vắc xin phòng cúm A (H5) chưa?

Cúm A (H5) là bệnh truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm, câu hỏi đặt ra là đã có vắc xin phòng cúm A (H5) chưa? Giải đáp vấn đề này, PGS.TS.BS Trần Quang Bính – Giám Đốc Chuyên Môn Hệ Thống Bệnh Viện Đa Khoa Tâm Anh, TP.HCM chia sẻ: “Cúm A H5 được xem là cúm gia cầm có thể lây sang người, đợt dịch cúm A/H5N1 tại Việt Nam vào năm 2005 đã ghi nhận rất nhiều bệnh nhân nhiễm cúm H5N1 gặp các biến chứng rất nghiêm trọng. Hiện nay chưa có vắc xin phòng cúm A/H5N1 nhưng nếu trẻ em và người lớn tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch loại vắc xin cúm phòng các chủng khác sẽ giúp giảm tình trạng bệnh cúm A (H5) nặng, giảm các biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong. Hiện nay, các loại vắc xin cúm Tứ giá giúp cơ thể bảo vệ 4 chủng virus cúm nguy hiểm phổ biến gồm: 2 chủng cúm A (H1N1, H3N2) và 2 chủng cúm B (Yamagata, Victoria), hiệu quả bảo vệ cao hơn, tác dụng phụ ít hơn.”

“Virus cúm có kháng nguyên trên bề mặt gồm 2 loại: kháng nguyên ngưng kết hồng cầu Hemagglutinin (H) và kháng nguyên trung hòa Neuraminidase (N). Những tổ hợp của 2 loại kháng nguyên này có thể 2 tuýp khác nhau của cúm. Đối với vắc xin cúm có tính đặc hiệu, trong thành phần vắc xin đang có chủng H1N1, H3N2, ngoài việc phòng đặc hiệu 2 chủng H1 và H2 thì có thể có những chủng khác như (H5) cũng có thành phần tương đồng với H1N1 hoặc H3N2 có trong thành phần vắc xin. Với sự nguy hiểm của chủng cúm A (H5), hy vọng rằng khi tiêm các loại vắc xin cúm đang lưu hành sẽ giúp tăng hiệu quả, bảo vệ chéo người bệnh có những biến chứng nguy hiểm hoặc liên quan đến kháng nguyên có thể có gặp trong virus H5.” BS.CKI Nguyễn Lê Nga, Quản lý Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC chia sẻ.

Dưới đây là các loại vắc xin cúm cho hiệu quả bảo vệ vượt trội khỏi các tuýp cúm nguy hiểm được các chuyên gia y tế hàng đầu khuyến cáo tiêm chủng sớm hiện nay.

Tên vắc xin

Vaxigrip Tetra (Pháp)

GC Flu Quadrivalent (Hàn Quốc)

Influvac Tetra (Hà Lan) 

Ivacflu S (Việt Nam)

Đối tượng

Trẻ em từ 6 tháng tuổi và người lớn

Trẻ em từ 3 tuổi và người lớn

Người lớn từ 18 tuổi đến 60 tuổi

Lịch tiêm

Trẻ từ 6 tháng tuổi – dưới 9 tuổi:

  • Tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng.
  • Sau đó tiêm nhắc lại 1 mũi hằng năm.

Trẻ dưới 9 tuổi đã từng tiêm vắc xin cúm, trẻ trên 9 tuổi và người lớn:

  • Tiêm 1 mũi. Sau đó tiêm nhắc lại hàng năm.

Trẻ từ 3 tuổi – dưới 9 tuổi:

  • Tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng.
  • Sau đó tiêm nhắc lại 1 mũi hằng năm.

Trẻ dưới 9 tuổi đã từng tiêm vắc xin cúm, trẻ trên 9 tuổi và người lớn:

  • Tiêm 1 mũi. Sau đó tiêm nhắc lại hàng năm.

Người lớn từ 18 tuổi đến 60 tuổi: Tiêm 1 mũi. Sau đó tiêm nhắc lại hàng năm.

 

Trẻ em và người lớn cần sớm tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cúm A hiện có để giúp tạo miễn dịch chéo ngăn ngừa nguy cơ nhiễm cúm A (H5)

Phòng ngừa bệnh cúm gia cầm A (H5) theo hướng dẫn của Bộ Y Tế

Ngoài chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cúm A nói chung, để chủ động phòng ngừa cúm gia cầm A (H5) lây sang người, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp dưới đây:

  1. Không giết, mổ, sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân.
  2. Không buôn bán, sử dụng thịt, trứng và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
  3. Không ăn tiết canh, không ăn thịt, trứng gia cầm chưa được chế biến kỹ.
  4. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương.
  5. Nếu xuất hiện các biểu hiện cúm có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Cúm A (H5) có độc lực cao, dễ đột biến, các triệu chứng lâm sàng khó nhận biết, bệnh gây biến chứng nặng và tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Do vậy, chủ động tiêm chủng các vắc xin cúm hiện có kết hợp với phát hiện bệnh sớm, can thiệp điều trị và tuân thủ các biện pháp là những yếu tố đẩy lùi dịch cúm gia cầm hữu hiệu.

 

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 28241

Trực tuyến: 1

Hôm nay: 41